Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều biến động, gửi tiết kiệm vẫn được xem là phương thức đầu tư an toàn và bền vững.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến tháng 11/2024, người dân đã gửi tiết kiệm hơn 7 triệu tỷ đồng. Lý giải việc tiền tiết kiệm được gửi vào ngân hàng tăng liên tiếp trong suốt 2 năm nay, các chuyên gia tài chính cho rằng, nhà đầu tư vẫn thận trọng với các kênh đầu tư khác như: chứng khoán, bất động sản… đặc biệt là sự biến động quá lớn của giá vàng.

Mặc dù lãi suất gửi tiết kiệm có thể không cao như các hình thức đầu tư khác nhưng tính ổn định và bảo vệ tài sản là điều khiến nhiều người lựa chọn. Một ưu điểm nữa của gửi tiết kiệm là tính chủ động và linh hoạt.

Người gửi có thể dễ dàng tính toán, dự đoán được số tiền mình sẽ nhận lại sau một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, người gửi còn có thể chọn kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến 36 tháng hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn của mình và mục tiêu tài chính cá nhân.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong cả năm 2025, lãi suất huy động được dự báo tăng 0,2-0,3%. Để gia tăng lợi ích cho khách hàng, bên cạnh việc điều chỉnh lãi suất, các nhà băng cũng nhanh chóng tung các chương trình khuyến mại nhằm hút dòng vốn nhàn rỗi từ người dân.

Anh Nhân, một nhà đầu tư cá nhân tại TP.HCM, chia sẻ, hiện thị trường chứng khoán có nhiều biến động, khó để sinh lời trong ngắn hạn. Bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc và còn nhiều rào cản bởi giá nhà quá cao, thanh khoản thấp.

Bên cạnh đó, giá vàng ngày càng biến động mạnh khiến anh Nhân và các nhà đầu tư khác bị tâm lý e dè khi muốn đầu tư lâu dài.

“Chính vì vậy, trong giai đoạn này, tôi chọn phương thức gửi tiết kiệm. Tuy biên độ lãi không cao như những kênh khác nhưng tôi an tâm vì không lo thua lỗ, thực sự an toàn và ổn định. Đặc biệt, các ngân hàng giờ đây cũng có nhiều chương trình ưu đãi, người gửi tiền như chúng tôi cũng được gia tăng lợi ích”, anh Nhân nói.