Nếu trước đây, du lịch hạng sang chỉ dành cho giới siêu giàu, thì giờ đây nó đang thu hút một tầng lớp khách hàng mới – những người không nhất thiết phải có hàng triệu trong tài khoản nhưng sẵn sàng chi tiêu như họ có.

Du lịch hạng sang không còn là sự phô trương cho mục đích riêng tư; mà là tìm kiếm những trải nghiệm có ý nghĩa cá nhân, mang đến sự sâu sắc, giá trị và một câu chuyện đáng để kể. Người tiêu dùng hiện nay đang đầu tư vào những câu chuyện giúp nâng cao bản sắc và giá trị xã hội của họ.
Sự phát triển này đang mở đường cho một sự chuyển mình rộng lớn hơn trên toàn bộ ngành xa xỉ.

Khách du lịch hạng sang mới là ai?
Theo nghiên cứu của McKinsey, định nghĩa về khách du lịch hạng sang đang mở rộng để bao gồm cả những cá nhân chi hơn 500 USD mỗi đêm cho phòng khách sạn, bất kể họ có tài sản lớn hay không. Trong đó, 35% số du khách hạng sang có tài sản dưới 1 triệu USD, nhưng họ vẫn sẵn sàng chi tiêu “như triệu phú” cho một số khía cạnh của chuyến du lịch.
Đặc biệt, 52% khách du lịch thuộc thế hệ Gen Z cho biết họ sẵn sàng chi tiêu mạnh cho những trải nghiệm, chứng tỏ rằng cả các nhóm khách hàng trẻ tuổi cũng đang thúc đẩy xu hướng trải nghiệm này.

Tiêu chuẩn sang trọng mới là gì?
Sự chuyển hướng sang “xa xỉ trải nghiệm” đang ảnh hưởng đến các lĩnh vực xa xỉ khác. Các thương hiệu đang tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm độc đáo, có tính nhập vai, thay vì chỉ cung cấp các sản phẩm đắt tiền. Chẳng hạn, Aman Resorts không chỉ bán phòng khách sạn mà còn bán một triết lý về sự tĩnh lặng và kết nối văn hóa, mang lại cho du khách cảm giác độc đáo, phù hợp với mong muốn của những khách du lịch hạng sang hiện đại.
Habitas, với khẩu hiệu “xa xỉ cho tâm hồn”, xây dựng những cơ sở vật chất tập trung vào âm nhạc, sức khỏe, nghệ thuật, phiêu lưu, ẩm thực, học hỏi và cống hiến.
Xu hướng này không chỉ dừng lại ở du lịch. Các thương hiệu xa xỉ đang khám phá cách tạo ra yếu tố trải nghiệm xung quanh sản phẩm của mình. Gucci, Lamborghini và Louis Vuitton đã biến các cửa hàng hàng đầu của họ thành những điểm đến hấp dẫn, không chỉ là mua sắm, mà còn với các sự kiện nghệ thuật, dịch vụ cá nhân hóa và những sự kiện độc quyền, biến trải nghiệm mua sắm thành một sự kiện đặc biệt.

Cá nhân hoá không còn là “món phụ”
McKinsey cho biết, du khách hạng sang có xu hướng ưu tiên cá nhân hóa khi đưa ra quyết định du lịch cao gấp 2-3 lần so với khách du lịch đại chúng.
Mức độ cá nhân hóa này đang trở thành tiêu chuẩn trong thị trường xa xỉ. Các thương hiệu đang nhận ra sự cần thiết phải đầu tư vào các công nghệ và dịch vụ giúp họ cung cấp những trải nghiệm độc nhất vô nhị này. Bằng cách tập trung vào những chi tiết cá nhân sâu sắc này, các thương hiệu xa xỉ có thể tạo ra sự khác biệt trên thị trường cạnh tranh và xây dựng mối liên kết bền chặt với khách hàng.

Nguồn: L’officiel